· nhan dinh · 8 min read

Vấn đề thực sự của 'bao tải tiền' Havertz tại Chelsea?

Havertz đang đi rất nhanh trên con đường trở thành tân binh tệ nhất mùa này của Premier League, đồng thời gia tăng nỗi xấu hổ về chuyển nhượng của Chelsea cũng như tài điều quân của Frank Lampard. Nhưng câu hỏi là tại sao một cầu thủ được định giá 72 triệu bảng lại có thể kém cỏi như thế?

Havertz có thật sự tài năng?

Cách đây vài ngày, bàn thắng ở phút 90’+2 của Hudson-Odoi vào lưới Man City chỉ có ý nghĩa an ủi với Chelsea mà không thay đổi được kết quả thua toàn tập. Nhưng chí ít, có chút hi vọng về một chuyện khác sau pha bóng đó.

Ở thời điểm phần lớn cầu thủ trên sân đều đã thấm mệt, hai phương án vào sân từ ghế dự bị Hudson-Odoi và Havertz vẫn có được tốc độ tối đa, qua đó đẩy pha phối hợp không có quá nhiều nổi bật đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, Mason Mount nhận bóng trên phần sân của City và John Stones cao hứng lên tận giữa sân vây hãm. Havertz nhìn ra cơ hội, tăng tốc vượt qua sự truy cản của Rodri và tiến vào khoảng không mà Stones bỏ lại, tạo điều kiện cho Pulisic tung ra đường chuyền nhanh phá bẫy việt vị.

Pha đọc tình huống nhanh của Havertz

Rodri nhận ra tình huống thì quá muộn, Havertz lao xuống và tung ra đường căng ngang thuận lợi cho Hudson-Odoi dứt điểm một chạm ghi bàn thắng danh dự cho Chelsea. 

Đây là ví dụ chứng minh vì sao Hudson-Odoi nên được ra sân nhiều hơn thay vì chỉ vỏn vẹn 333 phút tại Premier League mùa này, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người về giá trị của Havertz - thần đồng bóng đá Đức một thời. Đây là những thứ anh hiếm khi thể hiện được trong 4 tháng đầu ở Stamford Bridge.

Lampard ra sức bảo vệ cậu học trò trước những lời chỉ trích, nói rằng anh là nạn nhân của một tổ hợp lý do từ tuổi trẻ, khả năng thích nghi với môi trường mới và việc phải chống lại Covid-19. Chỉ nằm nhà một tuần vào tháng 11 vì virus nguy hiểm toàn cầu nhưng cầu thủ 21 tuổi cần tới một tháng tập luyện mới có thể lấy lại thể lực.

Nhưng cũng có nguyên nhân khác khiến Havertz chưa bao giờ thật sự là mình ở Chelsea, nó đến từ hệ thống của Lampard, với vai trò mà cầu thủ người Đức bị áp đặt.

Havertz phải đá thấp hơn thời ở Leverkusen

Khoảnh khắc đáng quên nhất của Havertz trong trận ra mắt Chelsea trước Brighton vào tháng 9 năm ngoái diễn ra ở phút 74. Trong thế The Blues dẫn trước 3-1, Havertz để mất bóng vào chân Solly March, trong khi Reece James cũng đã vội lao lên chồng biên phải.

Brighton lập tức phản công, Havertz biết lỗi và lao một mạch về đuổi theo March. Sau quãng đường gần 70m so tài, tiền vệ của Chelsea cuối cùng cũng lấy được bóng và chuyền sang cho James, trước khi ngã xuống vì đuối sức. Từ ngoài đường piste, Lampard vỗ tay cổ vũ tinh thần Havertz trước khi rút anh ra khỏi sân vài phút sau đó.

Nhưng đấy chính là vấn đề của Chelsea, họ không tìm được sự cân bằng. Làm thế nào mà một đội bóng đang dẫn trước 2 bàn, khi thời gian đang trôi về phút cuối, lại có thể mất bóng khi có tới 6 cầu thủ bên phần sân đối phương? Ở ngày hôm đó, Havertz là cầu thủ chạy cánh phải trong sơ đồ 4-2-3-1. Đến tháng 10, Lampard chuyển hệ thống sang 4-3-3 và Havertz lại trở thành một “số 8” của hàng tiền vệ tam giác.

Trong quãng thời gian tại Bayer Leverkusen, Havertz thường xuyên được chơi ở vị trí “số 10” trong hệ thống 4-2-3-1, hoặc hộ công bên phải của 3-4-2-1, hoặc thậm chí là “số 9 ảo”.

Nhưng ở Chelsea, Havertz phải đảm nhiệm một vị trí thấp hơn, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới tác động của anh đến vòng cấm đối phương, cũng như giao nhiều trách nhiệm phòng ngự hơn cho cầu thủ “mỏng cơm” này.

Chính vì thế, không lạ khi mọi chỉ số tấn công từ dứt điểm, chuyền đột biến, chuyền mở cơ hội, kiến tạo kỳ vọng trung bình mỗi 90 phút của Havertz tại Chelsea đều giảm mạnh so với 2 mùa cuối ở Bundesliga.

Trong khi đó, những chỉ số phòng ngự như tắc bóng, cắt bóng, chặn bóng, phạm lỗi, gây áp lực trung bình mỗi 90 phút đều tăng tiến mạnh mẽ ở Stamford Bridge.

Về mặt lý thuyết, đây không phải điều xấu. Sẽ rất bình thường cho một tiền vệ trung tâm tham gia phòng ngự nhiều hơn thay vì chỉ chuyên tâm sáng tạo, và Havertz có đủ phẩm chất để trở thành một “số 8” đẳng cấp thế giới. Nhưng nếu đó là những gì fan Chelsea muốn thì thật không công bằng nếu kỳ vọng Havertz có thể lặp lại những thông số tấn công ấn tượng thời ở Leverkusen.

Havertz là “nạn nhân” của hệ thống tại Chelsea?

Việc bị March lấy bóng trong chân không phải lần hiếm hoi Havertz để mất bóng khi đang cố thực hiện một pha rê dắt. Rõ ràng, Havertz đôi khi “quên” rằng mình không thể chơi mạo hiểm khi đang là một tiền vệ “số 8”, thay vì “số 10” như trước. 

Đương nhiên, sự khác biệt lớn về cường độ giữa Premier League và Bundesliga cũng tác động rất nhiều. Không cầu thủ nào ở xứ sương mù để Havertz rảnh chân suy nghĩ, tỉa tót. Sẽ luôn là những pha pressing hết tầm ở tốc độ cao và một khi chưa bắt kịp với nhịp độ, cầu thủ sẽ luôn bị “hốc”. Havertz từng miêu tả những trận đấu Premier League khiến anh kiệt sức vào hồi tháng 10, và rằng ngay cả một cầu thủ trung bình hay kém của nước Anh cũng khỏe hơn anh.

Nhưng nguyên nhân hệ thống không thể không nhắc đến. Havertz tỏa sáng ở Leverkusen dựa vào một cấu trúc ổn định, nơi anh luôn là tâm điểm của những pha lên bóng, của những đường chuyền rõ ý đồ lặp đi lặp lại. Lối chơi mượt mà chủ yếu dựa trên những pha bóng quen thuộc trên sân tập thay vì các tình huống đột biến lúc thực chiến.

Tại Chelsea, mọi việc tự do hơn. Lampard muốn các cầu thủ tấn công khai thác điểm mạnh của riêng mình và trên thực tế, họ cũng có rất ít thời gian tập luyện trong mùa này để tạo ra những “bài vở” chuyên biệt. Là một cầu thủ có khả năng thích nghi chậm, Havertz gặp khó khăn là chuyện hiển nhiên.

Một ví dụ. Ở hiệp 1 trận gặp Everton vào tháng trước, Havertz nhận bóng bên cánh phải nhưng không hề có một lựa chọn khả thi để chuyền. Hậu vệ phải James vẫn đang ở vòng cấm, trong khi Mateo Kovacic, N’Golo Kante và Mount đều đang bị khóa chặt.

Havertz quyết định cầm bóng nhưng không đủ tốc độ để vượt qua Ben Godfrey. Anh quay lại và bị Gylfi Sigurdsson đón lõng. Hậu quả là mất bóng. Nhiều người sẽ chê khả năng xử lý phạm vi hẹp của Havertz nhưng trên thực tế, anh không có nhiều lựa chọn khác.

Một ví dụ khác là ở hiệp 1 trước Leeds, Havertz nhận bóng từ đường trả lại của Giroud ở giữa sân. Một tình huống triển khai hợp logic sẽ là đường chuyền ra biên phải cho hậu vệ lao lên nhưng một lần nữa, chẳng có ai ở đó. Hakim Ziyech chấn thương, người thay thế Timo Werner lẽ ra phải ở cánh phải thì lại đang di chuyển ở khu vực trung lộ.

Havertz bị kẹp giữa Kalvin Phillips và Jack Harrison, để rồi lại mất bóng. 

Cấu trúc đội hình của Chelsea đôi khi có vấn đề và gây khó khăn trong việc ra quyết định của Havertz. Còn khi mọi người ở đúng vị trí, chuyện lại dễ dàng hơn nhiều. Dưới đây là tình huống tương tự nhưng Havertz đã khác, anh chuyền nhanh cho Ziyech đang trống trải bên cánh phải.

Sau đó Havertz nhanh chóng di chuyển vào vòng cấm, cùng với Giroud chờ sẵn một quả tạt từ James sau pha chồng biên với Ziyech. Đấy là những gì Havertz làm rất tốt ở Leverkusen và nếu Lampard muốn tiếp tục dùng tân binh của mình ở vị trí “số 8”, ông phải đảm bảo được kết cấu đội hình.

    Share:
    Back to Blog